Phát biểu tại buổi khai mạc sự kiện, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc – người vừa trúng cử vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng UNESCO – chia sẻ những cảm xúc rất thật: “Ngay lúc này, tôi tin rằng chúng ta đang trào dâng nhiều cảm xúc như cá nhân tôi khi vừa được thưởng ngoạn “Không gian văn hóa Việt Nam”, được ngược dòng thời gian, nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong 50 năm qua; được ngắm nhìn danh thắng qua triển lãm “các di sản thế giới tại Việt Nam”; được hòa mình vào đời sống bình dị nhưng giàu bản sắc văn hóa của người Việt Nam qua chủ đề “Việt Nam tôi yêu”, thông qua “góc nhìn” của một người bạn Pháp đặc biệt, Armelle DG, phu nhân Nicolas WARNERY, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, tương tác với các nghệ nhân tài hoa của Việt Nam qua nghệ thuật làm tranh Sơn mài, tranh Đông hồ, nặn Tò he hết sức ấn tượng và cách làm Phở Thìn truyền thống thật đặc sắc.”
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Ông Đào Quyền Trưởng – Vụ phó Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Bộ Ngoại giao cho biết Vụ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp chuẩn bị khá dài hơi trong việc chuẩn bị trưng bày một không gian văn hoá đặc sắc của Việt Nam tại 19 rue de Albert (Paris) với nhiều hình ảnh ngoại giao quan trọng giữa 2 quốc gia suốt nửa thế kỷ vừa qua cùng các mẫu trưng bày tranh đông hồ, trang phục các dân tộc, nhạc cụ dân tộc…
Tại buổi lễ, Bà Hélène LUC, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt năm nay 92 tuổi, nhân chứng sống của rất nhiều sự kiện hợp tác – ngoại giao của Việt Nam và Pháp 50 năm qua đã chia sẻ những cảm xúc của mình từ sự kiện ngày 12 tháng 4 năm 1973 khi Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày 25 tháng 9 năm 2013 khi hai nước trở thành đối tác chiến lược, mở ra một chặng đường mới, với mối quan hệ ngày càng nhiều thử thách thăng trầm, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, bằng tình hữu nghị và khát khao chung sức cho hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân loại. Từ chính những cảm xúc đó, cá nhân bà đã không ngừng vun đắp, hỗ trợ rất nhiều đoàn Việt Nam trong những ngày đầu xây dựng hợp tác và ngoại giao…
Tham gia chương trình biễu diễn nghệ thuật chào mừng loạt sự kiện của Ngày Việt Nam tại Pháp, bên cạnh các chương trình văn nghệ truyền thống do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, các võ sĩ Vovinam Việt Võ đạo Pháp và Lân sư rồng Việt Nam đã khuấy động Hội trường Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp bởi các màn biểu diễn đặc sắc thể hiện khí thế hào hùng, thượng võ của dân tộc Việt. Khán phòng chật kín người với tiếng vỗ tay kèm tiếng “Bravo Việt Nam” đã khiến hơn 300 khách mời quốc tế và kiều bào ta tham dự đêm biểu diễn thật sự hào hứng và theo đánh giá của đại sứ Đinh Toàn Thắng là “trên cả tuyệt vời”.
Dưới sự chỉ huy của hai võ sư Pháp cùng 3 HLV lân sư rồng đến từ đoàn Lân sư rồng IVS đại diện Liên đoàn LSR Việt Nam là Xuân Tài, Hiếu Hiền, Hoán Phi, các võ sĩ Vovinam với nhiều màu da thi triển các đòn kỹ thuật đặc sắc của Vovinam Việt Võ đạo hòa trong tiếng trống trận hào hùng và màn biểu diễn đầy màu sắc của đoàn lân sư rồng Việt đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các quan khách tham dự buổi Lễ.
Nói về cảm xúc tại sự kiện, TS Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Võ thuật thế giới (WoMAU), nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) cho biết: “Đúng 10 năm trước, vào năm 2013, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp, WVVF cũng đã tổ chức Giải Vô địch thế giới lần II tại thủ đô Paris và sự kiện “Ngày Vovinam tại Pháp” ngay tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp. Và hôm nay được quay lại Paris trong sự kiện quan trọng này, được chứng kiến các môn sinh Vovinam trong các màu da biểu diễn nét đẹp của võ thuật truyền thống Việt Nam tôi thất sự xúc động và tự hào. Đặc biệt là Vovinam và Lân sư rồng đã góp một phần công sức nhỏ bé trong buổi biểu diễn Sắc màu Việt tại trụ sở UNESCO và thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng UNESCO. Đây cũng là một cơ hội lớn giúp các di sản văn hoá của Việt Nam trong đó có Vovinam Việt Võ đạo thêm cơ hội để xây dựng lộ trình để UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.”
Tham dự Ngày Việt Nam tại Pháp 2023 còn có các quan khách: Ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giao Trung ương, Ông Đinh Toàn Thắng – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO Lê Thị Hồng Vân và nhiều quan khách quốc tế.
Trước đó, Vovinam và Lân sư rồng cũng đã góp công vào sự kiện “Đêm văn hoá Việt Nam – Sắc màu Việt, Di sản văn hoá là động lực cho hoà bình, tự cường và phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao Việt Nam – Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Paris, Cộng hoà Pháp.
Đoàn Vovinam Việt Võ đạo và Lân sư rồng Việt Nam đã tham gia giảng huấn cho các học viên khóa tập huấn quốc tế tại TP. Moissy – Cramayel (ngoại ô Paris) từ ngày 3 đến 5/11/2023 và có buổi biểu diễn võ thuật cùng lân sư rồng quốc tế rất thành công tại Nhà thi đấu thể thao thành phố này.