“Tôi là một trong những ứng viên hàng đầu để vô địch Roland Garros”, Alcaraz tự tin nói vào tháng 5. Nhiều người có thể xem đó là một sự kiêu ngạo.
Và thực tế, vận động viên người Tây Ban Nha thậm chí không thể vào đến bán kết sau khi bị Zverev loại ở vòng 8 tay vợt mạnh nhất. Song, chỉ 4 tháng sau, Alcaraz chứng minh cho làng tennis thế giới rằng ở anh không chỉ có sự tự tin hay ngạo mạn thái quá.
Với chức vô địch US Open 2022 và giành vị trí số một thế giới ATP, Alcaraz thiết lập nhiều kỷ lục ấn tượng ở tuổi 19. Danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của tay vợt sinh năm 2003 hứa hẹn mở ra một thời kỳ mới cho làng banh nỉ thế giới.
Next-gen được kỳ vọng nhất
Bộ ba Federer, Nadal và Djokovic thống trị làng quần vợt nam thế giới trong vòng 19 năm qua, đúng bằng tuổi đời của Alcaraz. Vào ngày 6/7/2003, 24 giờ đồng hồ sau khi Alcaraz tròn hai tháng tuổi, Federer giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên tại Wimbledon, mở đầu cho một kỷ nguyên mà “Big Three” vô địch 61 trong số 74 giải Grand Slam gần nhất.
Kể từ đó, nhiều tay vợt khác nhau được kỳ vọng là “thế hệ kế tiếp” (next-gen) phá vỡ triều đại của bộ ba huyền thoại kể trên, điển hình như Grigor Dimitrov, Milos Raonic của nửa thập niên trước, hay sau này là Alexander Zverev, Stefanos Tsitsipas. Không ai trong số họ thực sự phá vỡ được đà thống trị của Federer, Nadal và Djokovic.
Vào năm 2022, Alcaraz trở thành cái tên được kỳ vọng kế tiếp. Điều khác biệt giữa Alcaraz với nhiều tay vợt được gắn mác “next-gen” khác chắc chắn là những kỷ lục và sự thăng tiến hiếm thấy trong lịch sử.
18 tuổi, Alcaraz lần đầu tiên lọt vào top 10 ATP sau khi vô địch Barcelona Open. Giống Nadal trong quá khứ, anh trở thành người trẻ nhất lọt top 10 và giành danh hiệu ATP 1000. Tuy nhiên, sau chức vô địch US Open vào tháng 9, Alcaraz còn vượt mặt Nadal khi trở thành người trẻ nhất giữ ngôi số một ATP, kể từ khi bảng xếp hạng này ra đời vào năm 1973.
Nhà báo Ben Rothenberg phân tích trên CNN: “Tất cả tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại đều tỏa sáng hoặc thể hiện sự xuất sắc từ sớm, khi còn ở độ tuổi thanh thiếu niên”.
Alcaraz đi theo con đường đó. Anh cũng không giấu sự tự tin.
“Tôi có thể nói rằng mình là một trong những ứng cử viên vô địch Roland Garros”, Alcaraz tuyên bố. “Có nhiều tay vợt xuất sắc – Rafa, Djokovic, nhưng tôi nghĩ mình đã sẵn sàng để đạt kết quả tốt ở Roland Garros”.
4 tháng kể từ phát biểu có phần gây tranh cãi, Alcaraz chứng minh anh không hề khoác lác. Huấn luyện viên của Alcaraz, ông Alberto Lledo, nói rằng tay vợt 19 tuổi có thể đạt tới bất cứ đẳng cấp nào anh ấy muốn, miễn là “tiếp tục chăm chỉ tập luyện như bây giờ”.
Sự thăng tiến nhanh chóng của Alcaraz trong vài năm trở lại đây giúp anh trở thành hiện tượng. Năm 11 tuổi, Alcaraz được người đại diện hiện tại, Albert Molina phát hiện tài năng. Bốn năm sau, Juan Carlos Ferrero – một cựu vô địch thế giới và á quân Roland Garros – bắt đầu huấn luyện cho tay vợt trẻ. Ferrero và các thành viên còn lại trong đội ngũ huấn luyện giúp Alcaraz hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiên trì và chăm chỉ – đó là “văn hóa nỗ lực” như cách gọi của nhà vật lý trị liệu Juanjo Moreno.
Thông thường, khi các vận động viên trẻ thăng tiến bất ngờ ở thể thao đỉnh cao trong thời gian ngắn, người ta có cảm giác họ bật lên chỉ sau một đêm. Trên thực tế, chuyên gia Moreno khẳng định rằng thành công của Alcaraz đến sau một quá trình dài.
Chìa khóa thành công
“Sự thay đổi về thể lực là kết quả của quá trình tập luyện chăm chỉ của Carlos trong một thời gian dài”, Moreno phân tích. “Năm nay, chúng tôi trải qua một giai đoạn tiền mùa giải dài, vì vậy cả đội có thể tập trung hơn nữa vào việc nâng cao thể lực của cậu ấy, nhưng mọi thành công đều là hệ quả của việc thay đổi thói quen làm việc, nghỉ ngơi và ăn kiêng trong thời gian trước đó”.
Alcaraz không phải tay vợt có những cú giao bóng uy lực hay hiểm hóc vào loại hàng đầu. Anh không có “vũ khí” đặc biệt nào nếu so với nhiều tay vợt huyền thoại khác. Song, điểm khác biệt của tay vợt sinh năm 2003 chính là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ chiến thuật, thể chất và tâm lý thi đấu.
Chuyên gia Rothenberg đánh giá: “Alcaraz là một tay vợt toàn diện, người còn quá trẻ nhưng có thể làm được tất cả. Cậu ấy nhạy bén về mặt chiến thuật, có chỉ số IQ quần vợt cao kết hợp cùng nền tảng thể chất tuyệt vời”.
Đối với Lledo, chính tâm lý thi đấu của Alcaraz, cách anh thể hiện và đối mặt trong những thời khắc khó khăn đánh dấu tay vợt trẻ này như một tài năng đặc biệt.
Ví dụ, trong trận tứ kết với Nadal tại Madrid Open, Alcaraz bị dẫn trước 1-6 trong set thứ hai nhưng vẫn vùng lên để giành chiến thắng cuối cùng. Ở bán kết, Alcaraz cũng lội ngược dòng để thắng Djokovic với tỷ số các set lần lượt là 6-7 (5), 7-5, 7-6 (5).
Bất kể Federer, Nadal hay Djokovic có thể kéo dài sự nghiệp lừng lẫy của họ bao lâu đi nữa, làng quần vợt thế giới đang chứng kiến một hiện tượng mang tên Alcaraz, “next-gen” có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng nhất lúc này.