U.16 Việt Nam thất bại tại giải Đông Nam Á không phải thảm họa

Sở dĩ phải nhắc cột mốc chuyên nghiệp vì khi lên đến độ tuổi thi đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ mới có sự ổn định. Với giới bóng đá quốc tế, lứa tuổi thi đấu chuyên nghiệp thường là sau 20 tuổi, còn với bóng đá Việt Nam, lứa tuổi này thường sau 23 tuổi (đôi khi vẫn có một số ngoại lệ cá biệt, nhưng thông thường là như thế).

Thế nên, mới có chuyện giới bóng đá trên khắp hành tinh chỉ bắt đầu tập trung sự chú ý đến World Cup U.20, trong khi với giới bóng đá Việt Nam, phải đến các kỳ SEA Games hoặc giải U.23 châu Á, các cầu thủ nội mới gần như phát triển đầy đủ các tiềm năng của họ.

Với các lứa tuổi trẻ hơn, các giải đấu trẻ vẫn quan trọng ở chuyện giúp các cầu thủ trẻ làm quen với không khí của các sân chơi quốc tế, tăng kinh nghiệm và tăng tính cọ xát, tăng khả năng va chạm với đại diện của nhiều nền bóng đá thuộc nhiều trường phái khác nhau. Dù vậy, thành tích ở các giải đấu trẻ chưa phải là tất cả.

Ví dụ như tại World Cup U.17 (giải đấu tiếp ngay sau các giải U.16 thuộc các khu vực và các châu lục trên khắp thế giới), đội đã giữ kỷ lục về số lần đoạt cúp là… Nigeria, với 5 lần xưng vương. U.17 Nigeria bỏ xa phần còn lại của thế giới, kể cả Brazil (3 lần vô địch), Pháp (1 lần), Đức (1 lần), Anh (1 lần).

U.16 Việt Nam thất bại tại giải Đông Nam Á không phải thảm họa- Ảnh 1.

Chặng đường phía trước của U.16 Việt Nam (áo đỏ) vẫn đầy hứa hẹn

PSSI

Những nền bóng đá khác từng có đại diện vô địch U.17 World Cup gồm, Liên Xô (1 lần), Ghana (2 lần), Mexico (2 lần), Thụy Sĩ (1 lần) và… Ả Rập Xê Út (1 lần).

Trái lại, những siêu cường của bóng đá thế giới gồm Ý, Argentina, Tây Ban Nha, Uruguay chưa từng vô địch World Cup U.17. Riêng Argentina và Ý chưa lần nào lọt vào trận chung kết của các kỳ giải World Cup U.17 trong suốt lịch sử giải đấu nay. Ngay đến các nền bóng đá nổi tiếng về đào tạo trẻ, từng giành ngôi vô địch EURO như Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng chưa hề biết đến vinh quang tại World Cup U.17 là gì.

Thành ra, thất bại ở các giải trẻ trong độ tuổi thiếu niên, không có nghĩa rằng nền bóng đá ấy sẽ thất bại khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp. Ở chiều ngược lại, Nigeria, Ghana, Mexico hay Ả Rập Xê Út từng đăng quang ở lứa tuổi 17, cấp độ thế giới, nhưng khi các cầu thủ của họ phát triển thành những cầu thủ chuyên nghiệp, họ vẫn thua dàn cầu thủ của các nền bóng đá mạnh như thường, thậm chí còn thua xa.

Như đã phân tích, lứa tuổi còn quá trẻ như lứa tuổi 16, 17, cầu thủ chưa phát triển hết về mặt thể chất. Tư duy chiến thuật, ý thức tổ chức kỷ luật của họ cũng chưa hoàn thiện. Chưa kể việc thắng – thua ở lứa tuổi này bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố tâm lý. Ví dụ như 1 đội đã thua ở trận đấu trước đó dễ xuống tinh thần ngay trận tiếp theo, rồi thua tiếp, thậm chí thua đậm.

Đấy chính xác là những gì vừa xảy ra với đội U.16 Việt Nam. Đoàn quân của HLV Trần Minh Chiến sau khi thua U.16 Thái Lan ở bán kết, xuống tinh thần rồi thua đậm U.16 Indonesia trong trận tranh hạng 3.

U.16 Việt Nam thất bại tại giải Đông Nam Á không phải thảm họa- Ảnh 2.

U.16 Việt Nam vẫn cho thấy những tiềm năng rất lớn

VFF

Không thể dùng những trận đấu ấy làm thước đo chất lượng của các nền bóng đá có liên quan Thậm chí không thể thông qua kết quả của 1 hay một vài trận đấu ở các giải trẻ để đánh giá chính lứa cầu thủ vừa trải qua các trận đấu nói trên.

Tương lai của các cầu thủ trẻ còn rất dài. Bất kỳ trải nghiệm nào mà họ vừa nhận được chỉ mang ý nghĩa cho họ thêm kinh nghiệm và thêm sự cọ xát như đã đề cập ở phần đầu bài. Chuyện ngày hôm nay thua ở các giải trẻ nhưng ngày sau phát triển tốt hơn, toàn diện hơn đối phương khi đến tuổi trưởng thành, là chuyện quá thường xảy ra trong thế giới bóng đá!

bongda9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *