Quảng bá võ thuật – nghệ thuật múa Lân Sư Rồng Việt Nam tại châu Âu

Mục đích của buổi biểu diễn lần này là nhằm đưa bộ môn Lân Sư Rồng Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, phát triển rộng khắp và hướng tới thi đấu thành tích cao.

Khai màn cho chương trình, Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học & Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Pháp – Bà Lê Thị Hồng Vân đã đánh hồi trống mở đầu, bắt nhịp cho màn biểu diễn trống hội đầy hào hùng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất nước.

z1

 Tiếng trống khi chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi kết hợp cùng các thế võ có thể lột tả hết hình ảnh oai phong của Lân Sư Rồng. Ảnh: NSND Trọng Trinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam (từ Paris, Pháp).

Ngay sau màn trống hội là các tiết mục biểu diễn múa Lân Sư Rồng và trình diễn võ thuật từ các môn phái Việt Nam tại Pháp như Vovinam – Việt Võ Đạo, Minh Long – Tây Sơn Võ Đạo, Sơn Long Quyền thuật, Trường Quốc tế Việt Nam, Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hong Teck Lyon và Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Thanh Oai (Hà Nội),… đã làm khán giả góp mặt tại chương trình cảm thấy phấn khích và hứng thú.

z2

 Các môn phái Việt Nam tại Pháp trình diễn võ thuật trong chương trình. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Rất nhiều những tiết mục nổi bật có thể kể đến như màn múa “Tứ quý hưng long” với đồng diễn 4 Lân – Sư; múa Lân trên Mai Hoa Thung (trên cọc); múa “Lân – Sư diệt mãng xà, thu hồi ngọc quý” và múa Rồng đơn, Rồng đôi.

z3

 Múa Lân trên Mai Hoa Thung đòi hỏi nền tảng thể lực tốt kết hợp võ thuật, sự tập trung cao độ và tâm lý vững vàng. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Trong tâm thức của người châu Á nói chung và người dân Việt Nam nói riêng, Lân Sư Rồng là một loại hình biểu diễn trong các dịp lễ Tết Nguyên đán, lễ hội, ngày khai trương, các hoạt động chào mừng đón khách, mang ý nghĩa tâm linh to lớn như một linh vật mang tới nhiều điều may mắn, mọi sự hanh thông và phát tài phát lộc.

Múa Lân Sư Rồng là sự kết hợp giữa nét đẹp tâm linh, võ thuật truyền thống và sự sôi động của tiếng trống, tiếng thanh la, chũm chọe. Mỗi nhịp trống lại phù hợp với từng bộ pháp lân sư khác nhau, khi thì chuyển động, lúc thì đứng yên, khi thì chồm lên cao, lúc lại nằm rạp xuống đất.

Đặc trưng của tạo hình Lân Sư Rồng cũng vô cùng sống động, biểu lộ được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như ngủ, thức, vui buồn, phấn khởi, tò mò, giận dữ, sợ hãi hay nghi ngờ…

z4

 Các cung bậc cảm xúc khác nhau của những chú Lân – Sư. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Các màn múa Lân – Sư càng đặc biệt khó hơn với tiết mục trình diễn trên các trụ cao (Mai Hoa Thung), rất dễ xảy ra tai nạn nếu không được rèn luyện kỹ lưỡng, chuẩn bị tốt thể lực kết hợp võ thuật, tâm lý vững vàng và tập trung cao độ.

Đan xen với đó là hàng chục màn biểu diễn võ thuật đồng đội, biểu diễn múa thương, múa kiếm và các màn đấu võ đối kháng tay không, binh khí vô cùng hồi hộp và kịch tính, được sự hưởng ứng của không chỉ khán giả Việt Nam mà với rất nhiều khán giả Pháp có mặt.

z5

 Khán giả tại chương trình chăm chú theo dõi màn biểu diễn. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, Võ sư Phạm Quang Long chia sẻ múa Lân Sư Rồng Việt Nam đã có lịch sử hàng nghìn năm, đã được mô tả trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống.

Theo ông, Lân Sư Rồng lấy nền tảng từ các động tác võ nên những người học võ sẽ rất phù hợp để luyện tập bộ môn này.

Võ sư Phạm Quang Long khẳng định với mục đích quảng bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng quốc tế, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Tổng Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo thế giới tổ chức biểu diễn miễn phí trong các dịp lễ, lễ Tết của cộng đồng.

Đồng thời ở trong nước, liên đoàn cũng đã thành lập các trung tâm huấn luyện có thể đảm bảo hỗ trợ và hướng dẫn miễn phí cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân muốn về nước để tập huấn về Lân Sư Rồng.

z6

 Lân Sư Rồng có thể được xem như một nhánh của võ thuật. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Ông Phạm Quang Long bày tỏ hy vọng với sự phát triển mạnh mẽ ở trong nước, Lân Sư Rồng sẽ ngày càng mở rộng về quy mô và trở thành một bộ môn thế mạnh của Việt Nam, sớm đưa Lân Sư Rồng trở thành một môn thi đấu tại SEA Games. Ở một góc độ nào đó, có thể xem các đoàn Lân Sư Rồng cũng chính là những “lò” võ dân gian.

Việc kết hợp bộ môn Lân Sư Rồng vào trong quá trình luyện tập võ thuật của các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam vốn đã có lịch sử phát triển hàng chục năm tại Pháp và nhiều nước châu Âu, sẽ góp phần hơn nữa quảng bá hình thức nghệ thuật biểu diễn dân gian nước nhà tới bạn bè quốc tế.

Theo võ sư Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo Quốc tế, sự tham gia đông đảo của các môn phái thành viên khác nhau trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp là minh chứng cho sự quyết tâm và đồng lòng trong công tác quảng bá văn hóa dân gian Việt Nam ở nước sở tại.

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp võ thuật mang đậm nét giải trí, biểu diễn, Lân Sư Rồng nay đã trở thành hoạt động thi đấu thể thao, khuyến khích người tập nâng cao thể chất, tầm vóc và nghị lực.

z7

 Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bộ môn ngày một phổ biến hơn. Ảnh: NSND Trọng Trinh.

Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam mới được thành lập ngày 15/04/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động biểu diễn do liên đoàn tổ chức tại nước ngoài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật dân gian, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Hoạt động biểu diễn này sẽ góp phần đưa bộ môn Lân Sư Rồng của Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và quy mô phổ biến hơn.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link

VoThuat.vn | 00:00 30/11/-0001

bongda9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *