Nhiều lần, khi trò chuyện bên lề, chị Ngọc khiêm tốn không nhận mình là người phiên dịch chuyên nghiệp. Chị chỉ cho rằng mình là chiếc cầu nối để mọi người – với khác biệt về quốc tịch, ngôn ngữ – hiểu biết về nhau nhiều hơn, đến với nhau dễ hơn. Kỳ thực, chị Ngọc có cả năng lực lẫn cái gọi là “cơ duyên” tuyệt vời đến mức độ rất khó tìm ra một người nào khác thích hợp hơn với công việc phiên dịch cho các sự kiện thể thao lớn.
Giọng đọc lảnh lót, luyến láy hợp lý, lên bổng xuống trầm cùng cách phát âm chuẩn mực và phong thái nói năng từ tốn của chị làm cho mọi từ ngữ phát ra giữa chốn ồn ào, náo nhiệt của nhà thi đấu với hàng ngàn khán giả đều dễ dàng lọt vào tai bất cứ ai có mặt. Ngoài chất giọng tuyệt vời và quá phù hợp với các sự kiện thể thao vốn rất đặc trưng, chị Ngọc còn có tài chuyển ngữ trực tiếp rất ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Tuy không phải là người trong giới thể thao, nhưng vốn từ và thuật ngữ chuyên môn của chị Ngọc thật ra “dày” hơn rất nhiều so với những gì người ta tưởng. Đấy là vì chị luôn tìm hiểu kỹ các thuật ngữ thể thao, qua tài liệu, thông tin của các giải đấu, như một lẽ đương nhiên của bất cứ ai làm việc nghiêm túc. Cũng vì ngoài việc phiên dịch trực tiếp, chị Ngọc còn thường xuyên được mời dịch văn bản cho ban tổ chức của các giải đấu.
Giải marathon quốc tế TPHCM 1992 là sự kiện đầu tiên mà chị Ngọc tham gia phiên dịch, như một sự tình cờ. Thế rồi từ đó, sự tham gia của chị với vai trò phiên dịch cho ban tổ chức trở thành một lẽ đương nhiên, ở tất cả các giải quốc tế lớn tại TPHCM: Cúp bóng bàn thế giới 1992, Cúp cầu lông thế giới 1994, giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng hàng năm, các giải quốc tế Judo, Taekwondo, hoặc cơ man các sự kiện bóng đá quốc tế… Riết rồi công việc dạy học của chị thường xuyên bị ngắt quãng vì lời mời phiên dịch từ các giải đấu quốc tế!
Nói về kỷ niệm cùng chị Ngọc – một người luôn gắn bó với các sự kiện thể thao quốc tế diễn ra tại TP.HCM – tiến sĩ, nhà báo Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới chia sẻ: “Được làm việc với cô Ngọc từ những hoạt động quảng bá Vovinam ra quốc tế từ những Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Vovinam… cô đã để lại cho tôi ấn tượng một người tâm huyết với thể thao và sống chân tình. Biết tôi cần quảng bá Vovinam ra quốc tế cần những thuật ngữ tương tự của những môn võ khác, cô đã chuyển cho tôi một bộ tự điển võ thuật do cô tự tìm hiểu, so sánh, đối chiếu… Anh em báo Thể Thao Việt Nam chắc cũng sẽ khó quên về những buổi học tiếng Anh Thể thao tại lớp học 48 Nguyễn Đình Chiểu ngày nào… Sau những biến cố của cuộc sống, tôi có dịp gặp lại cô Ngọc sau khi từ Mỹ về, hai cô trò cũng có dịp uống vang và nói chuyện đời với cô và người bạn đời sau này của cô, không ngờ đó cũng là lần gặp sau cùng…”
Được tin chị Hoàng Thị Lương Ngọc rời xa cõi tạm, các anh Mai Bá Hùng (Phó GĐ Sở VHTT TP.HCM), Trương Ngọc Để (Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam) cùng nhiều anh em làng thể thao Sài gòn… cũng liên lạc với anh em báo chí để tìm những tấm ảnh chị Ngọc với các hoạt động thể thao TP.HCM gửi các báo đăng tin như là một lời tri ân, nhớ về một MC hết lòng vì sự nghiệp thể thao của Thành phố mang tên Bác…
Nhiều người khâm phục giọng đọc tiếng Anh lưu loát của chị Ngọc, đến nỗi quên rằng, trước tiên đấy là một phụ nữ dẫn chương trình thật hay. Trong tà áo dài thướt tha và nét duyên dáng bẩm sinh của một người có học thức, chị Ngọc đã dẫn chương trình bằng cả hai thứ tiếng (Anh, Việt) cho rất nhiều sự kiện thể thao. Điều thú vị là dù đã sang Hoa Kỳ định cư từ năm 2013, khi về thăm quê vào năm 2017 đúng lúc TPHCM tổ chức Cúp thế giới billiard carom 3 băng, chị Ngọc vẫn vui vẻ nhận lời phiên dịch cho ban tổ chức. Đấy cũng là sự kiện thể thao cuối cùng tại TPHCM mà chị Ngọc tham gia trong vai trò phiên dịch.
Sinh năm 1957 tại Huế, chị Hoàng Thị Lương Ngọc đã vĩnh viễn ra đi vào trưa ngày 8/4/2021 tại California (Hoa Kỳ), trong sự thương tiếc của nhiều thế hệ thuộc làng thể thao TPHCM từng biết đến chị.